Sphyrna mokarran

Cá nhám búa không rãnh

Suy giảm


Phân bố

Việt nam

Toàn vùng biển Đông.

Độ cao ghi nhận thấp nhất

-300

Độ cao ghi nhận cao nhất

0

Thế giới

Phân bố vùng biển ấm ôn đới và nhiệt đới Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

CR

Tiêu chuẩn đánh giá

A2ad.

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Trên thế giới, ước tính quần thể của loài này đã suy giảm khoảng 75-80% do khai thác quá mức (Rigby et al. 2019). Áp lực khai thác thủy sản ở vùng Biển Đông là rất cao, nguồn lợi cá sụn bị suy giảm (Pauly & Liang 2020). Ở Việt Nam, sản lượng cá mập và cá đuối trong vùng biển đặc quyền kinh tế đã giảm đến 97% trong giai đoạn 1986-2014 (Pauly et al. 2020). Mức độ suy giảm quần thể của loài này ở Việt Nam ước tính > 80% trong vòng 40 năm qua (tiêu chuẩn A2ad).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Các tài liệu công bố trên thế giới cho thấy là loài cá nhám búa không rãnh là loài có kích thước lớn, kích thước lớn nhất là 610 cm TL (Compagno, 1984; Ebert et al., 2013), thường bắt gặp kích thước lớn nhất là 400cm (Harry et al., 2011; Last & Stevens, 2009). Con đực thành thục từ 225 - 269 cm TL và con cái thành thục từ 210 - 300 cm TL (Ebert et al., 2013; Harry et al., 2011; Stevens & Lyle, 1989). Tuổi cá cái loài cá nhám búa không rãnh thành thục 5,5 – 8,3 năm, tuổi tối đa ước tính 39 - 45 năm và thế hệ là 23,7 - 24,8 năm (Gallagher & Klimley, 2018; Harry et al., 2011; Passerotti et al., 2010; Tovar-Ávila & Gallegos-Camacho, 2014). Tốc độ tăng trưởng quần thể ước tính 0,07 trên năm (Cortés et al., 2015). Số lượng cá thể được ước tính suy giảm ở vùng Biển Đông. Tại Việt Nam, cá nhám búa không rãnh, được ghi nhận trong các tài liệu (Nguyễn Hữu Phụng và Trần Hoài Lan, 1994; Nguyễn Khắc Hường, 2001). Loài này không được ghi nhận trong các công bố trong 10 năm gần đây (Võ Văn Quang et al., 2013; Vũ Việt Hà và Trần Văn Cường, 2009). Chúng khá hiếm trong hơn 15 năm trước đây (Nguyen, 2006). Quan sát tại các cảng cá, không bắt gặp cá nhám búa không rãnh được đánh bắt trong giai đoạn 2018 - 2020. Có 3 cá thể cá nhám búa không rãnh được bắt gặp ở Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2015-2016 (SEAFDEC, 2017).. Theo các công trình nghiên cứu trên thế giới, loài này có sức sinh sản cao, nhưng tuổi thành thục muộn, tốc độ gia tăng quần thể hàng năm rất thấp. Hoạt động khai thác quá mức và áp lực từ hoạt động đánh bắt với các loại ngư cụ chính giã cào, lưới rê và câu vàng với số lượng tàu khá lớn hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Dựa trên kết quả ước tính của Clarke et al. (2015) về xu thế chung trên vùng biển Trung Tây Thái Bình Dương và số lượng hiếm gặp của loài này tại Việt Nam, từ đó suy đoán rằng cá nhám búa không rãnh đã giảm số lượng hơn 75 - 80 % trong 3 thế hệ (71,1 năm).

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Là loài sống vùng ven bờ, cửa sông đến vùng khơi ở độ sâu đến 300 m (Ebert et al. 2013).

Dạng sinh cảnh phân bố

Đặc điểm sinh sản

Loài này đẻ con, mang thai 11 tháng, chu kỳ 2 năm, mỗi lứa sinh 6-42 con, con sơ sinh có kích thước 50-70 cm ( Harry et al. 2011, Ebert et al. 2013).

Thức ăn

Ăn cá đuối, cá mập nhỏ, cá xương nhỏ, mực, tôm hùm, tôm, cua.

Sử dụng và buôn bán

Loài này có giá trị thương mại cao, sử dụng làm thực phẩm như thịt, vây, da và gan. Vây của loài này được buôn bán với tỉ lệ khá cao tại thị trường Hồng Kông (Fields et al. 2018).

Mối đe dọa

Loài này bị khai thác quá mức, bị đánh bắt bằng nhiều loại ngư cụ như lưới kéo, lưới rê và câu vàng. Các hoạt động sử dụng và buôn bán cũng dẫn đến sự suy giảm quần thể của loài này.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục II CITES và Nhóm I, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đề xuất

Tuyên truyền ngư dân về việc thả chúng lại biển khi còn sống. Thống kê tình trạng đánh bắt, buôn bán loài này ở trong nước, để có dữ liệu chính xác về tình trạng loài. Cần nghiên cứu đề xuất vùng cấm khai thác hoặc khu bảo tồn cá mập để bảo vệ các loài nguy cấp. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng đánh bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và buôn bán quốc tế.

Tài liệu tham khảo

Compagno L.J.V. (1984). FAO Species Catalogue. Vol. 4. Sharks of the world. An annotated and illustrated catalogue of shark species known to date. Part 1 – Hexanchiformes to Lamniformes. Rome, FAO Fisheries Synopses, 125(4/1): 1-249.
Cortés E., Domingo A., Miller P., Forselledo R., Mas F., Campana S., Coelho R., Da Silva C., Hazin F.H.V., Holtzhausen H., Keene K., Lucena F., Ramirez K.,. Santos M.N.Y, Coelho R., Da Silva C., Semba-Murakami Y. & Yokawa K. (2015). Expanded Ecological Risk Assessment of pelagic sharks caught in Atlantic pelagic longline fisheries. SCRS/2012/167. ICCAT, 71(6): 2637-2688.
Ebert D.A., Fowler S. & Compagno L. (2013). Sharks of the World. Plymouth. Wild Nature Press.
Gallagher A.J. & Klimley A.P. (2018). The biology and conservation status of the large hammerhead shark complex: the great, scalloped, and smooth hammerheads. Reviews in Fish Biology and Fisheries, 28(4): 777-794.
Harry A.V., Macbeth W.G., Gutteridge A.N. & Simpfendorfer C.A. (2011). The life histories of endangered hammerhead sharks (Carcharhiniformes, Sphyrnidae) from the east coast of Australia. Journal of Fish Biology, 78(7): 2026-2051.
Last P.R. & Stevens J.D. (2009). Sharks and Rays of Australia, 2nd Edn. Melbourne, Australia. CSIRO publishing.
Myers R.F. (1999). Micronesian reef fishes: a comprehensive guide to the coral reef fishes of Micronesia, 3rd revised and expanded edition. Coral Graphics, Barrigada, Guam. 330 pp.
Nguyễn Khắc Hường (2001). Động vật chí Việt Nam. Lớp cá Sụn, tập 12. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, trang 23-151.
Rigby C.L., Barreto R., Carlson J., Fernando D., Fordham S., Francis M.P., Herman K., Jabado R.W., Liu K.M., Marshall A., Pacoureau N., Romanov E., Sherley R.B., Winker H. (2019). Sphyrna mokarran. The IUCN Red List of Threatened Species: e.T39386A2920499. http://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2019-3.RLTS.T39386A2920499.en.
SEAFDEC (2017). Report on Regional Sharks Data Collection 2015 to 2016. Results from data collection 2015 to 2016: Results from data collection in sharks project participating countries. SEAFDEC Secretariat. Southeast Asian Fisheries Development Center.
Stevens J. & Lyle J. (1989). Biology of three hammerhead sharks (Eusphyra blochii, Sphyrna mokarran and S. lewini) from Northern Australia. Marine and Freshwater Research, 40(2): 129-146.
Võ Văn Quang, Võ Sĩ Tuấn, Lê Thị Thu Thảo, Trần Công Thịnh, Nguyễn Phi Uy Vũ, Lê Minh Phương (2013). Thành phần loài và phân bố cá nhám/mập ở vùng biển Quy Nhơn và lân cận. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 13(1): 21-30.
Vũ Việt Hà & Trần Văn Cường (2009). Thành phần loài, phân bố và trữ lượng nguồn lợi cá Nhám ở biển Việt Nam. Tạp chí nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9: 58-66.

Dữ liệu bên ngoài