1. Giới thiệu chung
Đánh giá cho cấp khu vực hoặc cấp quốc gia được thực hiện theo quy trình ba bước.
- Bước 1: Cần xác định loài nào và quần thể ở khu vực nào sẽ được đánh giá.
- Bước 2: Tiến hành đánh giá quần thể ở cấp quốc gia của mỗi loài theo “Tiêu chuẩn đánh giá và Tiêu chí phân hạng Danh lục Đỏ IUCN (IUCN 2001, 2012)”, và tiến hành phân hạng sơ bộ.
- Bước 3: Xem xét ảnh hưởng của các quần thể của loài đó ở các khu vực lân cận đối với quần thể trong nước để quyết định nâng hạng hoặc hạ hạng đánh giá.
Như vậy, kết quả phân hạng cuối cùng sẽ phản ánh đúng nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng của loài trong lãnh thổ quốc gia và đảm bảo đã tính đến sự tương tác tiềm năng của quần thể trong nước với các quần thể bên ngoài khác.
2. Xác định loài cần đánh giá
Một số vấn đề cần quan tâm khi xác định loài nào để đưa vào hoặc loại trừ khỏi danh sách loài cần đánh giá (ví dụ: loài bản địa, các quần thể sinh sản và quần thể không sinh sản có tồn tại trong nước hay không, loài chỉ xuất hiện ở vùng phụ cận,…).
Quá trình phân hạng chỉ áp dụng cho các quần thể hoang dã trong phạm vi phân bố tự nhiên của chúng và cho các quần thể du nhập lành tính (ví dụ di cư tự nhiên) (IUCN 2001, 2012). Các loài cần được đánh giá trong tất cả các giai đoạn trong vòng đời của chúng (sinh sản, trú đông, di cư,…) diễn ra trong khu vực. Các loài chỉ phân bố ở rìa (ví dụ gần biên giới giáp với Việt Nam) cũng nên được xem xét để đưa vào đánh giá. Một loài nếu chỉ đến để tìm điều kiện thuận lợi trong mùa sinh sản nhưng cũng thường xuyên biến mất (không còn xuất hiện) khu vực thì không nên đánh giá. Tương tự như vậy, một loài hiện đang mở rộng phạm vi phân bố bên ngoài khu vực đánh giá (ở đây hiểu là bên ngoài quốc gia) và dường như đang trong quá trình di cư vào lãnh thổ của quốc gia sẽ không cần đánh giá cho đến khi loài đó đến định cư chính thức và sinh sản trong lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định (ít nhất trong 10 năm liên tiếp). Danh lục Đỏ cấp quốc gia nên bao gồm tất cả các loài đã được đánh giá ở cấp độ toàn cầu có phân bố ở Việt Nam, trừ các loài chưa đánh giá.
Một loài nếu được coi là đã Tuyệt chủng trong Khu vực (RE, hay còn gọi là tuyệt chủng ở cấp độ địa phương) nhưng được tái phát hiện thì có thể được đánh giá sau năm sinh sản đầu tiên. Loài đã tuyệt chủng nhưng được tái thả lại (nhân tạo) thì có thể xem xét đánh giá ngay khi một phần của quần thể sinh sản thành công ngoài tự nhiên mà không cần sự hỗ trợ trực tiếp và các cá thể sinh ra ó khả năng tự tồn tại trong tự nhiên.
Cũng có thể đánh giá loài ghé thăm (xem định nghĩa loài ghé thăm của IUCN) nhưng KHÔNG nên đánh giá loài lang thang.
Nếu có thể phân biệt được các quần thể sinh sản tự nhiên (quần thể bản địa) và quần thể ghé thăm (không sinh sản), thì nên đánh giá riêng từng quần thể. Các quần thể sinh sản tự nhiên và quần thể ghé thăm có thể phân biệt được căn cứ và các yếu tố sau:
- Phân biệt rõ ràng theo phạm vi phấn bố hoặc sinh cảnh sống;
- Tách biệt về thời gian xuất hiện (ví dụ, quần thể sinh sản tự nhiên di cư và quần thể này không xuất hiện khi quần thể ghé thăm có mặt trong khu vực);
- Có thể xác định rõ ràng dựa trên kiểu hình;
- Khác nhau rất lớn về kích cỡ quần thể. Ví dụ, nếu quần thể sinh sản tự nhiên rất nhỏ so với quần thể ghé thăm, hai quần thể này nên được đánh giá riêng biệt. Mặc dù dữ liệu thu thập được từ quần thể ghé thăm vẫn có thể bao gồm một số cá thể từ quần thể sinh sản tự nhiên, nhưng ảnh hưởng của những cá thể sinh sản tự nhiên này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả đánh giá. Tuy nhiên, nếu quần thể ghé thăm tương đối nhỏ so với quần thể sinh sản tự nhiên, thì nó nên được lọc ra từ đánh giá trước khi đánh giá.
Nếu các cá thể của quần thể sinh sản tự nhiên và quần thể ghé thăm không thể phân biệt được với nhau, thì việc ước tính cho quần thể ghé thăm sẽ phải bao gồm thông tin từ quần thể sinh sản tự nhiên và ngược lại. Mặt khác, cũng có thể đánh giá loài mà không cần phân biệt giữa quần thể sinh sản tự nhiên và quần thể ghé thăm.
Bộ phận xây dựng Danh lục Đỏ cấp quốc gia cũng có thể áp dụng một bộ lọc để quyết định xem có nên đánh giá loài đó hay không. Ví dụ, cơ quan có thẩm quyền xây dựng Danh lục Đỏ của có thể quyết định sẽ không đánh giá các loài nếu quần thể ở trong nước chiếm ít hơn 1% quần thể toàn cầu. Việc áp dụng các bộ lọc phải được nêu rõ ràng bằng tài liệu và có thể tham khảo ở phần phụ lục trong Tài liệu của IUCN.
Các taxon không đạt tiêu chuẩn để đưa vào đánh giá thì đều được coi là Không phù hợp (Not Applicable).
3. Áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá và tiêu chí phân hạng của IUCN
Áp dụng đúng các tiêu chuẩn đánh giá và tiêu chí phân hạng theo hướng dẫn của IUCN. Lưu ý các vấn đề sau:
- Loài tuyệt chủng trong khu vực (RE, ở đây coi là đã tuyệt chủng ở Việt Nam) nếu cá thể cuối cùng trong độ tuổi sinh sản được cho là đã chết hoặc đã biến mất, hoặc trong trường hợp loài lang thang thì không còn thấy cá thể nào ghé thăm. Ví dụ: Tê giác một sừng việt nam
- Loài tuyệt chủng trong tự nhiên (EW) chỉ áp dụng với các loài không còn ghi nhận cá thể trong tự nhiên (ở Việt Nam) nhưng vẫn ghi nhận các cá thể trong nuôi trồng, hoặc các cá thể đang xuất hiện tự nhiên ở ngoài vùng phân bố trước đây của nó. Ví dụ: Hươu sao.
- Các loài không đủ tiêu chuẩn để đánh giá thì được coi là Không phù hợp (Not Applicable).
4. Trình tự đánh giá
- Xác định quần thể tự nhiên và quần thể ghé thăm, quần thể lang thang.
- Đánh giá và phân hạng theo tiêu chuẩn đánh giá và tiêu chí phân hạng.
- Điều chỉnh phân hạng: Căn cứ vào kết quả đánh giá, đối chiếu với đánh giá của IUCN ở cấp độ toàn cầu, đánh giá mức độ tương tác (khả năng giao lưu, phân tách, ảnh hưởng của các quần thể lân cận đến quần thể của Việt Nam) để quyết định nâng hạng hoặc giảm hạng.