Elephas maximus

Voi châu á

Suy giảm


Phân bố

Việt nam

Sơn La, Nghệ An (Pù Mát), Hà Tĩnh (Vũ Quang), Quảng Nam (Khu BTLSC Voi Quảng Nam, Bắc Trà My, Hiệp Đức), Đắk Lắk (Yok Đôn), Lâm Đồng (Đạ Tẻ, Đạ Hoai), Đồng Nai (Vĩnh Cửu, Cát Tiên), Bình Phước (Bù Gia Mập) (Đặng Ngọc Cần và cs. 2008).

Độ cao ghi nhận thấp nhất

Độ cao ghi nhận cao nhất

Thế giới

Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Indonesia, Malaysia (Wittemyer 2011, Williams et al. 2020).

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

CR

Tiêu chuẩn đánh giá

A2cd + C2a(i)

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Trước đây, Voi châu á phân bố khá rộng từ Lai Châu dọc dãy Trường Sơn tới Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1990, ước tính có khoảng 1000-1500 cá thể, năm 2009 còn khoảng dưới 200 cá thể và hiện còn khoảng 100-120 cá thể; ước tính kích cỡ quần thể đã suy giảm > 80% trong vòng 30 năm qua (tiêu chuẩn A2cd). Hiện chỉ còn ghi nhận phân bố ở các tỉnh Sơn La (1 cá thể), Nghệ An (14-17 cá thể), Hà Tĩnh (03 cá thể), Quảng Nam (8-10 cá thể), Đăk Lắk (60-65 cá thể), Lâm Đồng (1-2 cá thể), Đồng Nai (10-14 cá thể) và Bình Phước (3-5 cá thể); quần thể bị chia cắt, phân tán, mất cân bằng giới tính, số lượng cá thể trưởng thành của mỗi tiểu quần thể ước tính < 50 (tiêu chuẩn C2a(i)).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Năm 1990, ước tính còn khoảng 1000 - 1500 cá thể, đến năm 2009 ước tình còn lại khoảng dưới 200 cá thể (tại Đắk Lắk có khoảng trên 100 cá thể, các nơi khác có những tiểu quần thể nhỏ dưới 10 cá thể). Ở một số địa điểm có voi phân bố, diện tích rừng tự bị bị suy giảm nghiêm trọng, chia cắt mạnh, vùng hoạt động của voi bị thu hẹp, xung đột voi - người gia tăng như ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tánh Linh, Đức Linh (Bình Thuận), Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai), Ea HLeo (Đắc Lắc). Trong các năm 1993 và 2001 đã phải di chuyển các đàn voi ở Xuyên Mộc và Đức Linh tới Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ước tính quần thể Voi châu á ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 100-120 cá thể, phân bố rải rác ở các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Phần lớn các đàn voi chỉ có dưới 10 cá thể, sống tách biệt nhau, cấu trúc tuổi và tỉ lệ giới tính trong đàn không phù hợp để phát triển nên nguy cơ suy thoái do ""quần thể nhỏ"" và giao phối cận huyết là rất lớn. Chỉ có 3 khu vực có số lượng voi trên 10 cá thể, có cấu trúc đàn phù hợp ở VQG Yok Đôn (Huyện Ea Súp, Đăk Lăk) còn khoảng 60-65 cá thể, VQG Pù Mát (Nghệ An) còn khoảng 11-14 cá thể và VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai còn khoảng 10-14 cá thể. Các đàn voi hoang dã ở Việt Nam đều đang đứng trước nguy cơ bị săn bắn và xâm hại. Từ năm 2009 đến năm 2021 có khoảng 29 cá thể voi bị sát hại hoặc gặp tai nạn. Trung bình mỗi năm có ít nhất 4 cá thể voi bị chết hoặc gặp tai nạn, chiếm khoảng 3-4% tổng số cá thể voi hiện còn.

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Sống ở rừng thưa, rừng thứ sinh cây gỗ và tre nứa, xen lẫn các trảng cỏ trong các thung lũng hay các vùng đồi núi thấp (Đặng Huy Huỳnh và cs. 2008, 2010).

Dạng sinh cảnh phân bố

Rừng thường xanh và rừng khộp, các trảng cây bụi và trảng cỏ, đôi ki ra hoạt động, kiếm ăn ở sinh cảnh đất canh tác nông nghiệp gần khu dân cư.

Đặc điểm sinh sản

Thường đẻ 1 con/lứa vào cả mùa khô và mùa mưa (Đặng Huy Huỳnh và cs. 2008, 2010).

Thức ăn

Cỏ, lá cây, cành cây nhỏ, măng tre nứa, cây chuối rừng (Đặng Huy Huỳnh và cs. 2008, 2010).

Sử dụng và buôn bán

Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, làm dược liệu cổ truyền, buôn bán làm vật nuôi phục vụ du lịch, ngà làm đồ mỹ nghệ.

Mối đe dọa

Voi bị săn bắt lấy ngà làm đồ mỹ nghệ. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt, thu hẹp và suy thoái do xâm lấn đất rừng tự nhiên để mở rộng đất sản xuất, khai thác lâm sản và xung đột với con người.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Voi châu á có tên trong Phụ lục I CITES, Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp và đề án để bảo tồn voi ở Việt Nam vào các năm 2006, 2013, 2020. Hiện đang có các chương trình bảo tồn voi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đồng Nai.

Đề xuất

Quản lý, bảo vệ sinh cảnh sống ở các khu vực có voi phân bố, mở rộng và phục hồi sinh cảnh tự nhiên trong vùng hoạt động của voi; phát triển các tiểu quần thể voi hiện có, liên kết và tạo cơ hội giao lưu giữa các đàn voi có số lượng dưới 10 cá thể; giảm thiểu xung đột voi - người; kiểm soát việc săn bắt, buôn bán các sản phẩm từ voi; thực hiện chương trình bảo vệ nhân nuôi sinh sản đàn voi đã thuần dưỡng vì mục đích bảo tồn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn voi.

Tài liệu tham khảo

Đặng Ngọc Cần, Hideki Endo, Nguyễn Trường Sơn, Tatsuo Oshida, Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương, Darrin Peter Lunde, Shin Ichiro Kawada, Hayashida Akiko & Sasaki Motoki (2008). Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam. Primates Research Institute and Institute of Ecology and Biological Resources, Inuyama and Hanoi, 400 trang.

Đặng Huy Huỳnh, Cao Văn Sung, Lê Xuân Cảnh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên & Nguyễn Minh Tâm (2008). Động vật chí Việt Nam, Tập 25: Lớp Thú-Mammalia (Primates, Carnivora, Artiodactyla, Perissodactyla, Rodentia). NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 362 trang.

Đặng Huy Huỳnh, Phạm Trọng Ảnh, Lê Xuân Cảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên, Đặng Huy Phương (2010). Thú rừng-Mammalia Việt Nam, hình thái và sinh học sinh thái một số loài. Tập II. NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 264 trang.

Williams C., Tiwari S.K., Goswami V.R., de Silva S., Kumar A., Baskaran N., Yogan K. & Menon V. (2020). Elephas maximus. The IUCN Red List of Threatened Species: e.T7140A45818198. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2020-3.RLTS.T7140A45818198.en. Accessed on 01 February 2023.

Wittemyer G. (2011). Proboscidea. Pp. 50-79. In: Wilson D.E. & Mittermeier R.A. (Eds.). Handbook of the Mammals of the World. Vol. 2. Hoofed Mammals. Lynx Edicions. Barcelona.

Dữ liệu bên ngoài