Carcharias taurus

Cá nhám bò mộng

Suy giảm


Phân bố

Việt nam

Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông.

Độ cao ghi nhận thấp nhất

-232

Độ cao ghi nhận cao nhất

0

Thế giới

Phân bố rộng vùng biển ôn đới và nhiệt đới.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

CR

Tiêu chuẩn đánh giá

A2bd.

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Sinh cảnh sống của loài bị thu hẹp và suy thoái, đặc biệt là các rạn san hô cũng như ô nhiễm môi trường. Theo UNEP (2007), diện tích san hô toàn Biển Đông ước tính đã mất đi khoảng 16%. Cá nhám bò mộng có sức sinh sản thấp, mỗi lứa sinh 2 con, cá cái thành thục sinh dục muộn từ 7,7-10 năm và tuổi thọ đến 40 năm. Áp lực từ hoạt động khai thác vùng biển ven bờ cũng làm suy giảm quần thể của loài ở Việt Nam. Kích cỡ quần thể ước tính đã bị suy giảm > 80% trong 74 năm qua (tiêu chuẩn A2bcd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Các số liệu về xu hướng quần thể và đặc điểm sinh học của loài cá nhám bò mộng ở vùng biển Việt Nam còn thiếu, chỉ ghi nhận sự xuất hiện của loài này cách đây hơn 20 năm về trước (Nguyễn Đình Mão, 1996). Đánh giá về tỉ lệ và năng suất khai thác nhóm cá mập, cá đuối chỉ có số liệu trong một thời điểm. Đối với nghề lưới kéo đáy năm 2012-2013, có sự thay đổi khác nhau giữa hai mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Nhìn chung, mùa gió Tây Nam có năng suất khai thác trung bình khoảng 14,5 kg/h, cao hơn so với mùa gió Đông Bắc 10,1 kg/h (Phạm Thị Thuỳ Linh, 2016). Dựa trên kết quả cấu trúc lại sản lượng đánh bắt của tất cả nhóm cá sụn tại Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế cho thấy mô hình tính toán sản lượng của nhóm cá này giảm 95% trong hơn 20 năm qua (Pauly et al., 2020). Áp lực khai thác vùng Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng được ước tính là rất lớn; kết quả của Yasook (2008) cho thấy tỉ lệ cá nhám và cá mập ở vùng biển ven bờ Việt Nam chỉ chiếm 0,17% sản lượng trong nghề câu vàng tầng đáy. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác có xu thế gia tăng, thể hiện qua sản lượng khai thác cá biển trong năm 2020 tương đương 2,8 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2010 (Tổng cục Thống kê, 2020). Khai thác quá mức và áp lực từ hoạt động đánh bắt bằng các loại ngư cụ chính là giã cào, câu và lưới rê trên các phương tiện tàu thuyền chiếm hơn 68% với 64.941 chiếc trong năm 2020. Dựa trên kết quả ước tính của Pauly et al. (2020) và tình trạng trở nên rất hiếm bắt gặp của chúng trong nhiều năm qua (SEAFDEC, 2017; Võ Văn Quang et al., 2013; Vũ Việt Hà và Trần Văn Cường, 2009) có thể suy đoán loài cá nhám bò mộng suy giảm hơn 80% trong ba thế hệ qua (74 năm)..

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Là loài sống đáy ở biển, vùng ven bờ và các rạn đá và san hô, nơi có độ sâu tối đa 232 m (SEAFDEC 2017, Weigmann 2016, White et al. 2017).

Dạng sinh cảnh phân bố

Vùng ven bờ và các rạn đá, san hô ở vùng thềm lục địa nơi có độ sâu tối đa 323 m.

Đặc điểm sinh sản

Đẻ con, mỗi lứa đẻ 2 con.

Thức ăn

Ăn cá xương, cá nhám nhỏ, cá đuối, mực, cua, tôm hùm.

Sử dụng và buôn bán

Loài này được sử dụng làm thực phẩm, vây lấy cước có giá trị cao.

Mối đe dọa

Loài này bị khai thác quá mức bằng các loại ngư cụ khác nhau. Nguồn lợi cá đáy ở vùng biển Việt Nam giai đoạn 2012-2013 so với giai đoạn 1996-2005 suy giảm khoảng 60% (Mai Công Nhuận và cs. 2015), trong đó có quần thể của loài cá nhám này. Nơi cư trú là các rạn san hô bị thu hẹp và suy thoái, ô nhiễm môi trường.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Đề xuất

Giảm khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, bảo vệ các vùng rạn san hô cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường ven biển. Tuyên truyền ngư dân về việc không đánh bắt cá nhám bò mộng và thả chúng lại biển khi còn sống. Đưa cá nhám bò mộng vào danh sách các loài cần bảo tồn và cấm khai thác.

Tài liệu tham khảo

Jakobs S. & Braccini M. (2019). Acoustic and conventional tagging support the growth patterns of grey nurse sharks and reveal their large‑scale displacements in the west coast of Australia. Marine Biology, 166: 1-150.
Mai Công Nhuận, Nguyễn Viết Nghĩa & Trần Văn Thanh (2015). Hiện trạng nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển Việt Nam, năm 2012-2013. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 15(4): 371-381.
Passerotti M.S., Andrews A.H., Carlson J.K., Wintner S.P., Goldman K.J. & Natanson L.J. (2014). Maximum age and missing time in the vertebrae of sand tiger shark (Carcharias taurus): validated lifespan from bomb radiocarbon dating in the western North Atlantic and southwestern Indian Oceans. Marine and Freshwater Research, 65(8): 674-687.
Rigby C.L., Carlson J., Derrick D., Dicken M., Pacoureau N. & Simpfendorfer C. (2021). Carcharias taurus. The IUCN Red List of Threatened Species: e.T3854A2876505. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2021-2.RLTS.T3854A2876505.en.
UNEP (2007). National Reports on Coral Reefs in the Coastal Waters of the South China Sea. UNEP/GEF/SCS Technical Publication, No. 11, 118 pp.
Võ Văn Quang, Võ Sĩ Tuấn, Lê Thị Thu Thảo, Trần Công Thịnh, Nguyễn Phi Uy Vũ & Lê Minh Phương (2013). Thành phần loài và phân bố cá nhám/mập ở vùng biển Quy Nhơn và lân cận. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 13(1): 21-30.
Vũ Việt Hà & Trần Văn Cường (2009). Thành phần loài, phân bố và trữ lượng nguồn lợi cá Nhám ở biển Việt Nam. Tạp chí nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9: 58-66.
Weigmann S. (2016). Annotated checklist of the living sharks, batoids and chimaeras (Chondrichthyes) of the world, with a focus on biogeographical diversity. Journal of Fish Biology, 88(3): 837-1037.
White W.T., Baje L., Sabub B., Appleyard S.A., Pogonoski J.J. & Mana R.R. (2017). Sharks and Rays of Papua New Guinea. ACIAR Monograph No. 189. Australian Centre for International Agricultural Research, Canberra.

Dữ liệu bên ngoài