Alopias superciliosus

Cá nhám đuôi dài mắt to

Suy giảm


Phân bố

Việt nam

Vịnh Bắc Bộ, Miền Trung, Tây Nam Bộ.

Độ cao ghi nhận thấp nhất

-955

Độ cao ghi nhận cao nhất

0

Thế giới

Loài này phân bố ở các vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên toàn thế giới.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

VU

Tiêu chuẩn đánh giá

A2bd

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Loài này thường bị đánh bắt bởi các nghề đánh bắt cá nổi xa bờ, biển khơi hoặc lưới giã cào đáy ở các khu vực có thềm lục địa hẹp. Tỷ lệ chết của loài này khi bị đánh bắt bởi tàu câu mực trên thế giới khoảng 49-68%. Loài này cũng bắt gặp trong câu cá giải trí, mặc dù chúng được thả lại, nhưng tỉ lệ chết sau khi thả lên đến 78%. Tại Việt Nam, loài này bị đánh bắt bởi các nghề khai thác thủy sản. Trong 10 năm trở lại đây rất hiếm gặp, quần thể của loài ước tính bị suy giảm > 30% trong khoảng 50 năm qua (tiêu chuẩn A2bd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Các nghiên cứu về hiện trạng quần thể loài cá nhám đuôi dài mắt to cho đến nay vẫn còn rất ít. Năm 2008, Ủy ban Bảo tồn cá Ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) dựa trên đánh giá rủi ro trong khai thác cá ngừ đã xếp loại cá nhám đuôi dài mắt to là loài dễ bị tổn thương nhất trong 16 loài cá sụn, yêu cầu thả các cá thể sống khi đánh bắt được, cấm buôn bán tàng trữ vì mục đích thương mại. Năm 2009, Ủy ban cá ngừ Ấn Độ Dương cũng thông qua lệnh cấm tương tự với ba loài cá nhám đuôi dài. Dựa trên kết quả cấu trúc lại sản lượng đánh bắt của tất cả nhóm cá sụn tại Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, mô hình tính toán cho thấy sản lượng của nhóm cá này giảm 95% trong hơn 20 năm qua (Pauly et al., 2020). Áp lực khai thác vùng Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng được tính toán là rất lớn; kết quả của Yasook (2008) cho thấy tỉ lệ cá nhám và cá mập ở vùng biển ven bờ Việt Nam chỉ chiếm 0,17% sản lượng trong nghề câu vàng tầng đáy. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác có xu thế gia tăng, thể hiện qua sản lượng khai thác hải sản Việt Nam trong năm 2018 tương đương 3,8 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn so với năm 2000 (Sea Around Us, 2022). Kết quả điều tra tại các cảng cá tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu trong năm 2015 - 2016 chỉ bắt gặp 1 cá thể cá nhám đuôi dài mắt to (SEAFDEC, 2017).Vào năm 2016, cá Nhám đuôi dài đã được thêm vào Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES), yêu cầu xuất khẩu từ các bên của Công ước CITES phải kèm theo giấy phép dựa trên nguồn gốc từ nghề cá hợp pháp và bền vững. Để ngăn chặn tình trạng đánh bắt quá mức, còn khuyến nghị loài cá này phải tuân theo các giới hạn đánh bắt của khu vực và quốc gia dựa trên luận chứng khoa học, đồng thời phải thực hiện đầy đủ tất cả các cam kết đã thống nhất thông qua các hiệp ước quốc tế.

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Loài này sống ở vùng nước ven biển trên thềm lục địa và vùng biển xa bờ, vùng nước sâu trên các sườn lục địa, thường ở độ sâu dưới 100 m, đã bắt gặp ở độ sâu 955 m, tìm kiếm thức ăn ở gần tầng mặt vào ban đêm và lặn sâu vào ban ngày.

Dạng sinh cảnh phân bố

Là loài ưa sống đáy biển sâu, là loài di cư.

Đặc điểm sinh sản

Noãn thai sinh, kích thước con sơ sinh 64-140 cm. Thời gian mang thai 12 tháng, mỗi lứa đẻ 2-4 con, chu kỳ sinh sản diễn ra hàng năm.

Thức ăn

Ăn các loại cá nổi, mực và cá đáy.

Sử dụng và buôn bán

Loài này được sử dụng để lấy thịt, vây, dầu gan và da (Compagno 2001, Jabado et al. 2015).

Mối đe dọa

Loài cá này thường được coi là sản phẩm phụ trong các loại nghề giã cào đáy, lưới rê và câu vàng. Loài này là một trong ba loài cá nhám đuôi dài bị khai thác nhiều, chiếm 2-3% sản lượng trong các năm 1991-2001 và 0,5% vào năm 2014.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Nhóm I, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đề xuất

Tuyên truyền ngư dân về việc cấm đánh bắt Cá nhám đuôi dài mắt to và thả chúng lại biển khi còn sống. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng đánh bắt, buôn bán trái pháp luật loài này.

Tài liệu tham khảo

Camhi M.D., Pikitch E.K. & Babcock E.A. (2008). Sharks of the Open Ocean: Biology, Fisheries and Conservation. John Wiley & Sons, 536 pp.
Chen P. & Yuan W. (2006). Demographic analysis based on the growth parameter of sharks. Fisheries Research, 78(2-3): 374–379.
Coelho R., Fernandez-Carvalho J. & Santos M.N. (2015). Habitat use and diel vertical migration of bigeye thresher shark: Overlap with pelagic longline fishing gear. Marine Environmental Research, 112: 91-99.
Compagno L.J.V. (2002). Sharks of the world. An annotated and illustrated catalogue of shark species known to date. Volume 2. Bullhead, Mackerel and Carpet Sharks (Heterodontiformes, Lamniformes and Orectolobiformes). FAO, Rome, 269 pp.
FAO (2020). Fishery and Aquaculture Country Profiles. Viet Nam (2005). Country Profile Fact Sheets. FAO Fisheries and Aquaculture Department. FAO, Rome. Available at: http://www.fao.org/fishery/. (Accessed: 9 June 2020).
Fields A.T., Fischer G.A., Shea S.K.H., Zhang H., Abercrombie D.L., Feldheim K.A., Babcock, E.A. & Chapman D.D. (2017). Species composition of the international shark fin trade assessed through retail-market survey in Hong Kong. Conservation Biology, 32(2): 376–389.
Jabado R.W., Ghais S.M.A, Hamza W., Henderson A.C., Spaet J.L.Y., Shivji M.S. & Hanner R.H. (2015). The trade in sharks and their products in the United Arab Emirates. Biological Conservation, 181: 190–198.
Martínez-Ortiz J., Aires-da-Silva A.M., Lennert-Cody C.E. & Maunder M.N. (2015). The Ecuadorian artisanal fishery for large pelagics: species composition and spatio-temporal dynamics. PloSOne, 10(8): p.e0135136.
Varghese S.P., Unnikrishnan N., Gulati D.K. & Ayoob A.E. (2017). Size, sex and reproductive biology of seven pelagic sharks in the eastern Arabian Sea. Journal of the Marine Biological Association of the United Kingdom, 97(1): 181–196.

Dữ liệu bên ngoài