Hippocampus kuda

Cá ngựa đen

Suy giảm


Phân bố

Việt nam

Vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Độ cao ghi nhận thấp nhất

-68

Độ cao ghi nhận cao nhất

0

Thế giới

Vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

VU

Tiêu chuẩn đánh giá

A2cd+4cd.

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Theo đánh giá vào năm 2012, ước tính quần thể của loài Cá ngựa đen trên phạm vi toàn cầu bị suy giảm > 30% trong khoảng 10 năm. Ở Việt Nam, số lượng cá ngựa đen suy giảm nghiêm trọng do mất môi trường sống, đặc biệt là các thảm cỏ biển và rạn san hô. Loài này cũng bị đánh bắt quá mức và buôn bán làm dược liệu cổ truyền. Ước tính kích cỡ quần thể đã suy giảm > 30% so với 10 năm trước đây và dự báo sẽ tiếp tục suy giảm với mức đọ tương tự trong 10 năm tới (tiêu chuẩn 2Acd+4cd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Theo ước tính có khoảng 25 triệu con cá ngựa được sử dụng mỗi năm cho mục đích y học. Các nước xuất khẩu lớn nhất được biết đến của cá ngựa đen là Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Thái Lan. Tại Việt Nam, số liệu điều tra từ Đà Nẵng đến Bình Thuận cá ngựa đen chiếm 14,3%, sản lượng khô khoảng 286kg, vùng biển Nha Trang chiếm tỉ lệ 85,8% (Đào Xuân Lộc và Hoàng Phi, 1991). Từ năm 1990 số lượng dự báo giảm 20%/ năm. Số lượng cá ngựa đen trước đây tại Phú Quốc còn khá phổ biến chiếm 37% trong tổng số cá khảo sát (Vũ Ngọc Út và Tô Công Tâm, 2013). Theo số liệu khảo sát năm 2017, cá ngựa đen tại Việt Nam giảm ít nhất khoảng hơn 30%. Kích thước khai thác cũng giảm hơn 40% so với 10-15 năm trước (Foster et al., 2017).

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Thường gặp ở độ sâu 0-8 m, tối đa 55 m (Randall 1996, Lourie 2001). Loài này sống ở các vịnh, đầm phá ven biển, trong cỏ biển và rong biển trôi nổi; vùng triều đáy cát và đá (Lee 1983); thảm cỏ biển (Choo & Liew 2003); đáy bùn (Nguyen & Do 1996); rừng ngập mặn, cửa sông, hạ lưu sông (có thể sống ở vùng nước lợ).

Dạng sinh cảnh phân bố

Ở Việt Nam chúng thường tìm thấy ở các vùng biển ven bờ, cửa sông, đầm phá có cỏ biển. Nhiệt độ nước 25-32°C.

Đặc điểm sinh sản

Con đực sẽ mang trứng và ấp nở. Trứng được chuyển từ con cái sang túi của cá đực, sau đó được thụ tinh và ấp trong túi cá đực, ấp trong khoảng 11-12 ngày tùy nhiệt độ. Mùa sinh sản: tháng 4-5 và tháng 9-12, sức sinh sản: 2.451-27.936 trứng/ cá thể cái (Trương Sĩ Kỳ & Đoàn Thị Kim Loan 1994).

Thức ăn

Ăn các loại giáp xác nhỏ, mysids, amphipod.

Sử dụng và buôn bán

Cá ngựa sử dụng làm thuốc cổ truyền, nuôi làm cảnh và làm đồ mỹ nghệ.

Mối đe dọa

Loài này bị đánh bắt thụ động, được sử dụng và buôn bán làm dược liệu. Môi trường sống bị thu hẹp và suy thoái.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục II CITES.

Đề xuất

Kiểm soát chặt chẽ tình trạng đánh bắt, buôn bán trong nước và quốc tế. Cấm đánh bắt cá ngựa đen dưới 10 cm và cấm khai thác vào mùa sinh sản, cấm đánh bắt cá mang trứng, khuyến nghị ngư dân thả về tự nhiên khi đánh bắt được. Thực hiện các chương trình bảo tồn nguyên vị và chuyển vị.

Tài liệu tham khảo

Anon (2003). Proposals for amendment of Appendices I and II Results. CITES Secretariat, Geneva. http://www.cites.org/eng/news/world/cop12_prop_results.pdf. September 2003.
Aylesworth L. (2014). Hippocampus kuda. The IUCN Red List of Threatened Species: e.T10075A16664386.https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2014-3.RLTS.T10075A16664386.en. Accessed on 03 March 2022.
Đào Xuân Lộc & Hoàng Phi (1991). Kết quả điều tra cá ngựa Hippocampus ven biển các tỉnh miền Trung và ương nuôi loài H. kuda trong bể xi măng. Tuyển tập nghiên cứu biển, Tập III, trang 235-245.
Foster S.J., Aylesworth L., Do H.H., Nguyen B.K. & Vincent A.C.J. (2017). Seahorse exploitation and trade in Viet Nam. Fisheries Centre Research Reports, 25(2): 1-52.
Lourie S., Foster S., Cooper E. & Vincent A. (2004). A guide to the identification of seahorses. Project Seahorse and TRAFFIC North America. University of British Columbia and World Wildlife Fund, Washington D.C.
Nguyen V.L. & Do H.H. (1996). Biological parameters of two exploited seahorse species in a Vietnamese fishery. In: Proceedings of the 1st International Conference in Marine Conservation, Hong Kong.
Trương Sĩ Kỳ & Đoàn Thị Kim Loan (1994). Đặc điểm sinh sản của cá ngựa đen (Hippocampus kuda) sống ở vùng cửa sông Cửa Bé, Nha Trang. Tuyển tập nghiên cứu biển, Tập 5, trang 111-120.
Vũ Ngọc Út & Tô Công Tâm (2013). Thành phần loài và hiện trạng khai thác cá ngựa (Hippocampus spp.) ở Phú Quốc – Kiên Giang. Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế “Biển Đông 2012”, Nha Trang, 12-14/9/2012, trang 36-45.

Dữ liệu bên ngoài