Chiloscyllium griseum

Cá chèo bẻo xám

Suy giảm


Phân bố

Việt nam

Vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang.

Độ cao ghi nhận thấp nhất

-100

Độ cao ghi nhận cao nhất

-5

Thế giới

Vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

VU

Tiêu chuẩn đánh giá

A2d.

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Loài này phân bố hẹp, hiện chỉ ghi nhận ở vùng biển Bình Thuận đến Kiên Giang. Sinh cảnh sống của loài đã và đang bị suy thoái do tác động của các hoạt động khai thác thủy sản và phát triển vùng ven biển. Quần thể bị suy giảm do khai thác làm thực phẩm bằng các loại nghề như giã cào, lưới quàng, lặn bắt, câu; kích cỡ quần thể của loài ước tính bị suy giảm > 30% trong khoảng 10 năm qua (tiêu chuẩn A2d).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Tình trạng quần thể của loài cá chèo bẻo tại vùng biển Việt Nam chưa được biết. Tuy nhiên, dựa vào dữ liệu đánh bắt được cấu trúc lại cho thấy cá nhám và cá đuối trong vùng đặc quyền kinh tế giảm 97% trong 29 năm từ 1986 đến 2014. Sản lượng đánh bắt tăng dần từ 1.560 tấn vào năm 1950 lên ~ 44.000 tấn mỗi năm vào giữa những năm 1960 và tăng mạnh vào đầu những năm 1980 lên mức đỉnh 466.445 tấn vào năm 1986, sau đó là sự sụt giảm xuống mức duy trì 14.750 tấn vào năm 2014 (Pauly et al., 2020). Từ các mức suy giảm này của cá nhám, cá đuối có thể suy đoán được sự giảm quần thể hiện tại ở nhiều loài. Trong khi đó,hoạt động đánh bắt đã bắt đầu tăng lên đáng kể kể từ những năm 1950, đã và đang gia tăng trong thời kỳ sau 1990 dẫn đến sự sụt giảm sản lượng đánh bắt của nhóm này (Pauly et al., 2020). Số lượng cá thể cá chèo bẻo được ước tính đang bị suy giảm, do bị đánh bắt dùng làm thực phẩm, đánh bắt cá thể mang thai và cả cá con chưa trưởng thành. Các thông tin có được cho thấy, không những số lượng các thể loài này bắt gặp ở vùng biển Việt Nam ít và suy giảm, chỉ bắt gặp ở vùng biển phía Tây Nam, mà qua phỏng vấn ngư dân cũng cho biết quần thể loài này ước tính suy giảm hơn 30%.

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Loài này phân bố rộng vùng ven bờ ở độ sâu 5-100 m, có đời sống di cư (Ebert et al. 2013, Weigmann 2016).

Dạng sinh cảnh phân bố

Loài sống ở biển, vùng nước lợ và vùng rạn.

Đặc điểm sinh sản

Là loài đẻ trứng trên nền đáy; trứng nhỏ, hình o-van; thường đẻ thành đôi (Compagno 1984). Con non hấp thụ noãn hoàng để phát triển đến khi nở ra ngoài có chiều dài 12 cm. Trong quá trình giao cấu, con đực cắn vào vây ngực con cái (Pratt & Carrier 2001).

Thức ăn

Ăn động vật không xương sống.

Sử dụng và buôn bán

Cá chèo bẻo có giá trị thực phẩm, vây lấy cước. Chúng được nuôi làm cảnh trong các thủy cung phục vụ khách tham quan.

Mối đe dọa

Khai thác thủy sản là nguy cơ cao đối với Cá chèo bẻo do chúng thường bị đánh bắt bằng các loại ngư cụ. Số lượng cá chèo bẻo bị đánh bắt bởi ngư dân ở vùng biển tỉnh Kiên Giang đã suy giảm so với 10 năm trước đây. Sinh cảnh sống là các rạn san hô và rừng ngập mặn vùng cửa sông bị thu hẹp và suy thoái, môi trường biển bị ô nhiễm.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Đề xuất

Giảm khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, đặc biệt là nghề khai thác giã cào để giảm áp lực khai thác đối với các loài cá sống đáy đang nguy cấp. Tuyên truyền ngư dân về việc thả chúng lại biển khi còn sống. Thống kê tình trạng đánh bắt, buôn bán loài này ở trong nước, để có dữ liệu chính xác về tình trạng loài. Điều tra về vùng phân bố và quần thể của loài để có biện pháp bảo tồn phù hợp.

Tài liệu tham khảo

Compagno L.J.V. (1984). FAO Species Catalogue. Vol. 4. Sharks of the world. An annotated and illustrated catalogue of shark species known to date. Part 1 – Hexanchiformes to Lamniformes. Rome, FAO Fisheries Synopses, 125(4/1): 1-249.Chen W.K., Chen P.C., Lue K.M. & Wang S.B. (2007). Age and growth estimates of the whitespotted bamboo shark, Chiloscyllium plagiosum, in the northern waters of Taiwan. Zoological Studies, 46: 92-102.
Nguyen L. (2006). Data collection on shark fisheries in Viet Nam. Pp. 131 – 163. In: Report on the Study on Shark Production, Utilization and Management in the ASEAN Region 2003-2004, Southeast Asian Fisheries Development Center, Bangkok, Thailand.
Nguyễn Hữu Phụng và Trần Hoài Lan (1994). Danh mục Cá biển Việt Nam, tập I. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 116 trang.
Nguyễn Khắc Hường (2001). Động vật chí Việt Nam. Lớp cá Sụn, tập 12. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, trang 23-151.
SEAFDEC (2017). Report on Regional Sharks Data Collection 2015 to 2016. Results from data collection 2015 to 2016: Results from data collection in sharks project participating countries. SEAFDEC Secretariat. Southeast Asian Fisheries Development Center.
Vander Wright W.J., A. Bin Ali, K. K. Bineesh, D. Derrick, A. B. Haque, T. Krajangdara, A. Maung & L. Seyha, (2020). Chiloscyllium griseum. The IUCN Red List of Threatened Species: e.T41792A124416752. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2020-3.RLTS.T41792A124416752.en. Accessed on 07 February 2022.
Võ Văn Quang, Võ Sĩ Tuấn, Lê Thị Thu Thảo, Trần Công Thịnh, Nguyễn Phi Uy Vũ & Lê Minh Phương (2013). Thành phần loài và phân bố cá nhám/mập ở vùng biển Quy Nhơn và lân cận. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 13(1): 21-30.
Vũ Việt Hà & Trần Văn Cường (2009). Thành phần loài, phân bố và trữ lượng nguồn lợi cá Nhám ở biển Việt Nam. Tạp chí nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9: 58-66.

Dữ liệu bên ngoài