Trachypithecus hatinhensis

Voọc hà tĩnh

Suy giảm


Thông tin về hồ sơ loài

Tên việt nam

Voọc hà tĩnh

Phân hạng bảo tồn

EN

Trích dẫn
Nguyễn Đình Duy, Trịnh Đình Hoàng, Nguyễn Vĩnh Thanh, Hà Thăng Long, 2023. Trachypithecus hatinhensis. Danh lục Đỏ Việt Nam. MM19

Phân bố

Việt nam

Quảng Bình (Tuyên Hoá, Phong Nha-Kẻ Bàng, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy), Quảng Trị (Bắc Hướng Hoá, Đăk Rông) (Đặng Ngọc Cần và cs. 2008).

Độ cao ghi nhận thấp nhất

100

Độ cao ghi nhận cao nhất

1500

Thế giới

Lào

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

EN

Tiêu chuẩn đánh giá

A2cd

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Loài này phân bố ở 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, là đối tượng bị săn bắt làm thực phẩm, dược liệu và buôn bán. Sinh cảnh sống của loài bị thu hẹp, chia cắt và suy thoái do khai thác lâm sản, xâm lấn đất rừng. Kích cỡ quần thể ước tính bị suy giảm > 50% trong 36 năm qua (tiêu chuẩn A2cd). trong toàn bộ phạm vi phân bố của loài.

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Voọc hà tĩnh được ghi nhận trong các khu vực núi đá vôi ở Bắc Trung Bộ Việt Nam (phần phía tây của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị từ 18°00'N, 105°50'E đến 16°10'N, 107°40'E). Không có ước tính đáng tin cậy về số lượng cá thể Voọc hà tĩnh tại Việt Nam. Khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) có quần thể Voọc hà tĩnh lớn nhất còn lại ở Việt Nam. Ước tính số lượng cá thể cho khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng đã thay đổi trong những năm qua. Haus et al., (2009) đưa ra ước tính là 2.143 (± 467), Nguyễn Văn Trường (2013) ghi nhận 150 cá thể. Tại khu vực núi đá vôi xã Đồng Hóa và Thạch Hóa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) ghi nhận 9 đàn với 81 cá thể (Dong Thanh Hai et al., 2018). Loài này cũng được ghi nhận ở KBTTN Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) (Thái Văn Thành và nnk., 2018).

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Voọc hà tĩnh thường được ghi nhận ở sinh cảnh rừng trên núi đá vôi ở độ cao lên đến 1.500 m, chúng thích các hang động và vách đá làm nơi trú ẩn (Nadler 2013, Le Khac Quyet et al. 2021). Sống thành đàn gồm 7-20 cá thể, có khi lên đến 30 cá thể, tỷ lệ cá thể đực trưởng thành trên cá thể cái trưởng thành là 1:2.5 (Dong Thanh Hai & Thao A Tung 2018).

Dạng sinh cảnh phân bố

Rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp Rừng ẩm nhiệt đới trên núi

Đặc điểm sinh sản

Mùa sinh sản từ tháng 1 đến tháng 6, thời gian mang thai từ 180-190 ngày, mỗi lần sinh một cá thể, bộ lông con sơ sinh màu vàng. Trưởng thành sau 4 năm đối với con cái và sau 4-5 năm đối với con đực. Tuổi thọ trung bình từ 20-25 năm, thời gian 1 thế hệ khoảng 10-12 năm (Weigl 2005).

Thức ăn

Thức ăn chủ yếu bao gồm 81% lá, 9% quả, 9% dây leo và 1% hoa (Nguyen Van Truong 2013, Nguyen et al. 2013).

Sử dụng và buôn bán

Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, dược liệu và buôn bán làm sinh vật cảnh (Le et al. 2021).

Mối đe dọa

Voọc hà tĩnh bị săn bắt làm thực phẩm, dược liệu và làm cảnh. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái do xâm lấn đất rừng àm đất canh tác nông nghiệp, làm đường, khai thác lâm sản.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục I CITES, Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Một phần sinh cảnh sống của loài nằm trong các khu bảo tồn nên được bảo vệ.

Đề xuất

Bảo vệ sinh cảnh trong khu vực phân bố. Quản lý khu vực phân bố. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng săn bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và quốc tế. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài.

Tài liệu tham khảo

Dong Thanh Hai & Thao A Tung (2018). Status and social organization of Hatinh Langur (Trachypithecus hatinhensis Dao, 1970) in Dong Hoa and Thach Hoa communes, Quang Binh province. Journal of Forest Science and Technology, 2: 96-103.
Đặng Ngọc Cần, Hideki Endo, Nguyễn Trường Sơn, Tatsuo Oshida, Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương, Darrin Peter Lunde, Shin Ichiro Kawada, Hayashida Akiko & Sasaki Motoki (2008). Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam. Primates Research Institute and Institute of Ecology and Biological Resources, Inuyama and Hanoi, 400 trang.
Đặng Huy Huỳnh, Cao Văn Sung, Lê Xuân Cảnh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên & Nguyễn Minh Tâm (2008). Động vật chí Việt Nam, Tập 25: Lớp Thú-Mammalia (Primates, Carnivora, Artiodactyla, Perissodactyla, Rodentia). NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 362 trang.
Le K.Q., Coudrat C.N.Z., Phiaphalath P., Nadler T. & Covert H. (2021). Trachypithecus hatinhensis (amended version of 2020 assessment). The IUCN Red List of Threatened Species: e. T40789A196139355. Accessed on 19 July 2022.
Nguyen H.H., Bai B., Li N., Yang P. & Lu C.H. (2013). Fruit diet, Selectivity & Seed dispersal of Hatinh langur (Trachypithecus francoisi hatinhensis). Acta Ecologica Sinica, 33(1): 110-119.
Nguyen Van Truong (2013). Feeding ecology of the Hatinh langur (Trachypithecus hatinhensis) in Phong Nha – Ke Bang National Park, Quang Binh Province, Vietnam. Presentation at 3rd International Conference – Coservation of Primates in Indochina, 8-12th October, Cuc Phuong National Park, Vietnam.

Dữ liệu bên ngoài