Trachypithecus germaini

Voọc bạc đông dương

Suy giảm


Thông tin về hồ sơ loài

Phân hạng bảo tồn

EN

Trích dẫn
Nguyễn Đình Duy, Trịnh Đình Hoàng, Nguyễn Vĩnh Thanh, Hà Thăng Long, 2023. Trachypithecus germaini. Danh lục Đỏ Việt Nam. MM18

Phân bố

Việt nam

Kiên Giang (Kiên Lương, Phú Quốc), An Giang (Bảy Núi), Cà Mau ( U Minh Hạ, Ngọc Hiển, Năm Căn).

Độ cao ghi nhận thấp nhất

0

Độ cao ghi nhận cao nhất

600

Thế giới

Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

EN

Tiêu chuẩn đánh giá

A2cd

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Voọc bạc đông dương ghi nhận phân bố ở 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau. Loài này là đối tượng bị săn bắt và buôn bán làm thực phẩm, dược liệu và sinh vật cảnh. Sinh cảnh sống bị thu hẹp, chia cắt và suy thoái do khai thác đá, khai thác lâm sản và ảnh hưởng từ các hoạt động canh tác nông nghiệp. Số lượng cá thể ở Việt Nam ước tính < 400 cá thể (Hoang et al. 2021). Kích cỡ quần thể ước tính đã suy giảm > 50% trong vòng 36 năm qua (tiêu chuẩn A2cd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Voọc bạc đông dương chỉ được biết đến từ một vài quần thể nhỏ biệt lập ở Đồng bằng sông Cửu Long (Tran Van Bang et al., 2017). Quần thể được xác nhận là lớn nhất ở Việt Nam với ít nhất 286 cá thể được tìm thấy ở Khu vực đá vôi Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang (Tran Van Bang et al., 2017). Một quần thể khác được xác nhận trên đảo Phú Quốc với ước tính khoảng 54 cá thể (Tran Van Bang et al., 2017). Một số quần thể nhỏ cũng đã được ghi nhận ở khu vực Bảy Núi tỉnh An Giang (5 cá thể), Lâm trường Tam Giang (20 cá thể), rừng Ngọc Hiển (34 cá thể) và Vườn quốc gia U Minh Hạ (7 cá thể) ở tỉnh Cà Mau (Tran Van Bang et al., 2017). Ước tính tổng quần thể của loài này ở Việt Nam là 362–406 cá thể, trong đó quần thể lớn nhất được tìm thấy ở Khu vực đá vôi Kiên Lương (Tran Van Bang et al., 2017).

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Hoạt động kiếm ăn ban ngày. Loài này được ghi nhận trong các khu rừng đất thấp trên đảo Phú Quốc, rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn và rừng tràm ngập nước ở đất liền Việt Nam (Hoang et al. 2012, Tran et al. 2017) ở độ cao từ mực nước biển đến 600 m (Hoang et al. 2012). Sống thành đàn gồm 7-15 cá thể bao gồm nhiều đực, nhiều cái, có khi đến 50 cá thể.

Dạng sinh cảnh phân bố

Rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp Rừng ngập mặn nhiệt đới trên bãi triều

Đặc điểm sinh sản

Mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 8, thời gian mang thai khoảng 196 ngày, mỗi lần sinh một cá thể, bộ lông con sơ sinh màu vàng. Trưởng thành sau 4 năm đối với con cái và sau 4-5 năm đối với con đực. Tuổi thọ trung bình từ 20 - 25 năm, thời gian 1 thế hệ khoảng 10-12 năm (Weigl 2005).

Thức ăn

Thức ăn chủ yếu bao gồm 58,8% lá non và 8,5% lá trưởng thành, quả 23,6%, hoa 2,8%, chồi 5,1% và các loại khác không rõ nguồn gốc. Tỷ lệ các loại thức ăn được sử dụng thay đổi theo khu vực phân bố và theo mùa (Lê Hồng Thái & cs. 2015).

Sử dụng và buôn bán

Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, làm dược liệu cổ truyền, buôn bán làm vật nuôi (Beyle et al. 2014).

Mối đe dọa

Voọc bạc đông dương bị săn bắt làm thực phẩm, dược liệu và sinh vật cảnh. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái do xâm lấn đất rừng tự nhiên để mở rộng đất sản xuất, khai thác đá và khai thác lâm sản.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục I CITES, Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Một phần sinh cảnh sống của loài nằm trong các khu bảo tồn nên được bảo vệ.

Đề xuất

Bảo vệ sinh cảnh trong khu vực phân bố. Quản lý khu vực phân bố. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng săn bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và quốc tế. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loàinâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài.

Tài liệu tham khảo

Beyle J., Nguyen V.Q., Hendrie D. & Nadler T. (2014). Primates in the illegal wildlife trade in Vietnam. Pp. 43-50. In: T. Nadler & D. Brockman (ed.), Primates of Vietnam, Endangered Primate Rescue Center, Cuc Phuong National Park, Vietnam.
Hoang M.D., Covert H.H., Ang A. & Moody J. (2021). Trachypithecus germaini (amended version of 2020 assessment). The IUCN Red List of Threatened Species: e. T39874A195374767. Accessed on 19 July 2022.
Hoang M.D., Covert H.H., Roos C. & Nadler T. (2012). A note on phenotypical & genetic differences of silvered langurs in Indochina (Trachypithecus germaini and T. margarita). Vietnamese Journal of Primatology, 2(1): 47-54.
Lê Hồng Thái, Hoàng Minh Đức & Herbert Covere (2015). Nghiên cứu thành phần thức ăn của Voọc bạc đông dương (Trachypithecus germaini Milne-Edwards, 1876) tại khu vực đá vôi huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Công nghệ Sinh học, 13(4A): 1185-1193.
Tran V.B., Nguyen M. A., Nguyen D. Q., Truong Q. B. T., Ang A., Covert H. H. & Hoang D. M. (2017). Current conservation status of Germain’s langur (Trachypithecus germaini) in Vietnam. Primates, 58(3): 435-440.
Weigl R. (2005). Longevity of Mammals in Captivity, from the Living Collections of the World. E Schweizerbart’sche Verlagsbuchhandling, Stuttgart. Mammalian Biology, 73: 165-168.

Dữ liệu bên ngoài