Pygathrix nemaeus

Chà vá chân nâu

Suy giảm


Thông tin về hồ sơ loài

Tên việt nam

Chà vá chân nâu

Phân hạng bảo tồn

EN

Trích dẫn
Nguyễn Đình Duy, Trịnh Đình Hoàng, Nguyễn Vĩnh Thanh, Hà Thăng Long, 2023. Pygathrix nemaeus. Danh lục Đỏ Việt Nam. MM12

Phân bố

Việt nam

Nghệ An (Pù Mát, Pù Huống), Hà Tĩnh (Vũ Quang, Kẻ Gỗ), Quảng Bình (Phong Nha-Kẻ Bàng, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ, Khe Giữa, Khe Nước Trong), Quảng Trị (Bắc Hướng Hoá, ĐakRông), Thừa Thiên Huế (Phong Điền, Bạch Mã, KBT Sao La, Bắc Hải Vân), Đà Nẵng (Nam Hải Vân, Bà Nà-Núi Chúa, Sơn Trà), Quảng Nam (KBT Sao La, Đông Giang), Kon Tum (Chư Mom Ray) (Đặng Ngọc Cần và cs. 2008).

Độ cao ghi nhận thấp nhất

10

Độ cao ghi nhận cao nhất

1700

Thế giới

Lào, Campuchia.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

EN

Tiêu chuẩn đánh giá

A2cd

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Chà vá chân nâu phân bố từ Nghệ An vào đến các tỉnh Tây Nguyên. Sinh cảnh sống của loài bị chi cắt, thu hẹp và suy thoái do mất rừng và khai thác lâm sản; loài này cũng bị săn bắt và buôn bán làm cảnh, thực phẩm và dược liệu; quần thể của loài ước tính bị suy giảm > 50% trong khoảng 40 năm qua (tiêu chuẩn A2cd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Ở Việt Nam, Chà vá chân nâu phân bố từ VQG Pù Mát (19°02'N) ở phía Bắc đến VQG Chư Mom Ray (14°22'N) ở phía Nam (Ha Thang Long, 2007; Bett et al., 2012). Số lượng cá thể đã giảm rất nhanh do săn bắt và mất môi trường sống; những mối đe dọa này vẫn đang tiếp diễn và với tốc độ ngày càng tăng (Coudrat et al., 2020). Các số liệu điều tra đã ghi nhận 68-86 cá thể ở VQG Bạch Mã (Nguyễn Văn Minh, 2019), khoảng 30-70 cá thể ở KBT ĐăkRông (Nguyễn Đắc Mạnh và nnk, 2009) và một số ít nhóm (không khảo sát toàn bộ khu vực) tại KBTTN Bắc Hướng Hóa (Mahood and Tran Van Hung, 2008). Quần thể lớn tại VQG Phong Nha Kẻ Bàng với số lượng lên đến 2.000 cá thể (Haus et al., 2009), mặc dù đây có thể là một ước tính cao hơn thực tế. Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) ước tính có khoảng 1.300 cá thể (GreenViet, 2017). Tại khu vực này, môi trường sống thích hợp không quá 50 km², giữa một khu vực đang phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, và săn bắn đôi khi vẫn xảy ra trong khu vực. VQG Chư Mom Ray có thể vẫn còn một quần thể nhỏ, nhưng tình trạng phân loại của các loài ở đó là không chắc chắn (Lippold et al., 2011). Một số quần thể nhỏ đã được ghi nhận trong VQG Vũ Quang, KBTTN Phong Điền và KBTTN Bà Nà-Núi Chúa (Nguyễn Hải Hà và nnk., 2019; Vũ Ngọc Thành và nnk., 2005; Bui Van Tuan et al., 2019; Nguyễn Văn Minh và nnk., 2019). Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong (Quảng Bình) với khoảng 886-987 cá thể được ghi nhận và ước tính có khoảng 3.640-4.060 cá thể trong diện tích khoảng 135km2 của khu vực (Đặng Ngọc Cần, và nnk, 2017).

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Hoạt động kiếm ăn ban ngày, sống ở các khu rừng thường xanh và bán thường xanh trên núi thấp và núi đá vôi tới độ cao 1.600 m (Ulibarri 2013). Phần lớn thời gian sống trên cây nhưng đôi khi cũng xuống đất, mỗi đàn có khoảng 5-15 cá thể, có khi đến 50 cá thể, mỗi nhóm thường có một hoặc vài con đực và số con cái thường nhiều gấp đôi con đực.

Dạng sinh cảnh phân bố

Rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp Rừng ẩm nhiệt đới trên núi

Đặc điểm sinh sản

Mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 6, thời gian mang thai từ 165-190 ngày, mỗi lần sinh một cá thể, hiếm khi hai. Trưởng thành sau 4 năm đối với con cái và sau 4-5 năm đối với con đực. Tuổi thọ trung bình từ 20-25 năm, thời gian 1 thế hệ khoảng 10-12 năm (Lippold 1989).

Thức ăn

Thức ăn chủ yếu là lá cây (87,8%), quả và hạt (10,2%), hoa (1,6%) và vỏ hoặc thân cây (0,4%) (Ulibarri 2013).

Sử dụng và buôn bán

Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, làm dược liệu, buôn bán làm cảnh (Coudrat et al. 2020).

Mối đe dọa

Bị săn bắt làm vật nuôi, làm thực phẩm và dược liệu. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái do xâm lấn đất rừng tự nhiên để mở rộng đất sản xuất nông nghiêp, khai thác gỗ.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục I CITES, Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Một phần sinh cảnh sống của loài nằm trong các khu bảo tồn nên được bảo vệ.

Đề xuất

Bảo vệ sinh cảnh trong khu vực phân bố. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng săn bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và quốc tế. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn loài.

Tài liệu tham khảo

Bett N.N. & Blair M.E. (2012). Ecological Niche Conservatism in Doucs (Genus Pygathrix). International Journal of Primatology, 33: 972-988.
Coudrat C.N.Z., Le. K.Q., Hoang D., Phiaphalath P., Rawson B.M., Nadler T., Ulibarri L. & Duckworth J.W. (2020). Pygathrix nemaeus. The IUCN Red List of Threatened Species: e. T39826A17941247. Accessed on 19 July 2022.
Đặng Ngọc Cần, Hideki Endo, Nguyễn Trường Sơn, Tatsuo Oshida, Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương, Darrin Peter Lunde, Shin Ichiro Kawada, Hayashida Akiko & Sasaki Motoki (2008). Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam. Primates Research Institute and Institute of Ecology and Biological Resources, Inuyama and Hanoi, 400 trang.
Đặng Huy Huỳnh, Cao Văn Sung, Lê Xuân Cảnh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên & Nguyễn Minh Tâm (2008). Động vật chí Việt Nam, Tập 25: Lớp Thú-Mammalia (Primates, Carnivora, Artiodactyla, Perissodactyla, Rodentia). NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 362 trang.
Lippold L.K. (1989). Reproduction and survivorship in douc langurs Pygathrix nemaeus in zoos. International Zoo Year Book, 28: 252-255.
Nguyen Tuan Anh, Le Duc Minh, Pham Viet Hung & Vu Thi Duyen (2019). Modeling the Red-shanked Douc distribution in Vietnam using Maxent. VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences, 35(3): 61-71.

Dữ liệu bên ngoài