Macaca leonina

Khỉ đuôi lợn

Suy giảm


Thông tin về hồ sơ loài

Tên việt nam

Khỉ đuôi lợn

Phân hạng bảo tồn

VU

Trích dẫn
Nguyễn Đình Duy, Trịnh Đình Hoàng, Nguyễn Vĩnh Thanh, Hà Thăng Long, 2023. Macaca leonina. Danh lục Đỏ Việt Nam. MM9

Phân bố

Việt nam

Nghệ An (Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống), Hà Tĩnh (Vũ Quang), Quảng Bình (Phong Nha-Kẻ Bàng, Minh Hoá, Quảng Ninh, Động Châu - Khe Nước Trong), Quảng Trị (Bắc Hướng Hoá, Đắk Rông), Thừa Thiên Huế (Bắc Hải Vân, Phong Điền, Bạch Mã, KBT Sao La), Quảng Nam (Sông Thanh, Đông Giang, Tây Giang, Núi Thành), Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai (Kon Ka Kinh, Kon Cha Răng, A Yun Pa), Kon Tum (Chư Mom Ray, Sa Thầy, Kon Plông), Đắk Lắk (Ea Sô, Yôk Đôn), Đắk Nông (Tà Đùng), Lâm Đồng (Bidoup - Núi Bà), Bà Rịa-Vũng Tàu (Bình Châu-Phước Bửu), Đồng Nai (KBT-VH Đồng Nai, Cát Tiên), Tây Ninh (Lò Gò-Xa Mát), Ninh Thuận (Phước Bình), Bình Thuận (Tà Kou), Khánh Hòa (Hòn Bà) (Đặng Ngọc Cần và cs. 2008).

Độ cao ghi nhận thấp nhất

50

Độ cao ghi nhận cao nhất

1200

Thế giới

Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào.

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

VU

Tiêu chuẩn đánh giá

A2cd

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Trước đây loài này còn gặp phổ biến ở các khu rừng ở các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam từ tỉnh Nghệ An tới tỉnh Kiên Giang, ước tính có khoảng 30 tiểu quần thể. Sinh cảnh sống của loài bị thu hẹp, chia cắt và suy thoái do mất rừng và khai thác lâm sản; loài này cũng bị săn bắt quá mức làm thực phẩm, dược liệu và nuôi làm cảnh; ước tính quần thể đã bị suy giảm > 30% trong vòng 40 năm qua (tiêu chuẩn A2cd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Khỉ đuôi lợn được ghi nhận phân bố tại nhiều khu vực ở niềm Trung và Nam Việt Nam, nhưng thực tế ghi nhận cho thấy loài này có số lượng và mật độ phân bố thấp, ngay cả trong các khu vực được bảo vệ và có sinh cảnh thích hợp. Tại VQG Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh, 4 đàn Khỉ đuôi lợn với ít nhất 31 cá thể đã được ghi nhận, và ước tính khoảng 60 cá thể (Nguyễn Hải Hà và nnk., 2019); tại KBTTN Tà Kou (Bình Thuận), 3 đàn Khỉ đuôi lợn với ít nhất 20 cá thể đã được ghi nhận (Hoang Minh Duc et al., 2010); 1 nhóm khác với hơn 60 cá thể đã được nhìn thấy ở VQG Bù Gia Mập, nơi mức độ xáo trộn của con người thấp hơn ở Tà Kou (Hoang Minh Duc et al., 2010); ở các VQG Núi Chúa và Phước Bình, các nhóm trên 20 cá thể thường được nhìn thấy nhiều nhất. Quy mô nhóm nhỏ của khỉ đuôi lợn phương Bắc ở KBTTN Tà Kou có thể liên quan đến áp lực bẫy cao (Hoang Minh Duc et al., 2010); tại KBTTN-VH Đồng Nai, 7 đàn Khỉ đuôi lợn với 50 cá thể được ghi nhận (Nguyễn Hoàng Hảo và nnk, 2012); tại A Yun Pa (Gia Lai) 1 đàn Khỉ đuôi lợn 7 cá thể được ghi nhận trong rừng bán thường xanh ở độ cao 364m; tại KBTTN Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) ghi nhận 2 đàn với số lượng không xác định (Thái Văn Thành và nnk., 2018). Các hoạt động săn bắt của của người dân được ghi nhận diễn ra ở nhiều nơi, cùng với đó, nhiều khu vực phân bố bị chuyển đổi thành rừng trồng làm mất sinh cảnh sống.

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Hoạt động kiếm ăn ban ngày. Sinh cảnh thích hợp là rừng nguyên sinh ở đai thấp hay rừng thứ sinh, rừng ngập nước, rừng trên núi đá (Boonratana et al. 2020). Mùa đông trú ẩn trong các hang đá, mùa hè trú ẩn trong các hốc đá hay cành cây. Cấu trúc đàn gồm nhiều đực và nhiều cái, mỗi đàn từ 4 - 12 con, có khi tới 40 con.

Dạng sinh cảnh phân bố

Rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp Rừng ẩm nhiệt đới trên núi

Đặc điểm sinh sản

Thời gian sống 26 năm, một thế hệ khoảng 10-12 năm (Molur et al. 2003). Trưởng thành sau 4 năm. Thời gian mang thai là 171-180 ngày (Choudhury 2008).

Thức ăn

Thức ăn chủ yếu là trái cây, lá cây, hoa và các loài động vật và côn trùng (Shalauddin et al. 2020).

Sử dụng và buôn bán

Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, làm dược liệu, buôn bán làm cảnh và thí nghiệm (Boonratana et al. 2020, Aldrich et al. 2021).

Mối đe dọa

Khỉ đuôi lợn bị săn bắt làm vật nuôi, làm thực phẩm và dược liệu. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái do xâm lấn đất rừng tự nhiên để mở rộng đất sản xuất, khai thác gỗ.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục II CITES, Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Một phần sinh cảnh sống của loài nằm trong các khu bảo tồn nên được bảo vệ.

Đề xuất

Bảo vệ sinh cảnh trong khu vực phân bố. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng săn bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và quốc tế.

Tài liệu tham khảo

Albert A., Savini T. & Huynen M. (2011). Sleeping Site Selection and Presleep Behavior in Wild Pigtailed Macaques. American Journal of Primatology, 73:1-9.
Aldrich B.C. & Neale D. (2021). Pet Macaques in Vietnam: An NGO’s Perspective. Animals, 11: 60.
Boonratana R., Chetry D., Long Y., Jiang X.-L., Htun S. & Timmins R.J. (2020). Macaca leonina (errata version published in 2020). The IUCN Red List of Threatened Species : e. T39792A186071807. Accessed on 19 July 2022.
Choudhury A.U. (2008). Ecology and behaviour of the pig-tailed macaque Macaca nemestris leonina in some forests of Assam in North-East India. The journal of the Bombay Natural History Society, 105(3): 279-291.
Đặng Ngọc Cần, Hideki Endo, Nguyễn Trường Sơn, Tatsuo Oshida, Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương, Darrin Peter Lunde, Shin Ichiro Kawada, Hayashida Akiko & Sasaki Motoki (2008). Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam. Primates Research Institute and Institute of Ecology and Biological Resources, Inuyama and Hanoi, 400 trang.
Đặng Huy Huỳnh, Cao Văn Sung, Lê Xuân Cảnh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên & Nguyễn Minh Tâm (2008). Động vật chí Việt Nam, Tập 25: Lớp Thú-Mammalia (Primates, Carnivora, Artiodactyla, Perissodactyla, Rodentia). NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 362 trang.
Shalauddin A.S., Isiam M.J., Mia M.R., Mia M.J., Khan M.A.R. & Khatun U.H. (2020). Food and Feeding Behavior of Northern Pig-tailed Macaque (Macaca leonina, Blyth 1863) at Lawachara National Park, Bangladesh. Conference: 7th Asian Primate Symposium.

Dữ liệu bên ngoài