Phân loại
Tên khoa học
Tên phổ thông
Phân bố
Việt nam
Kom Tum (Chư Mom Ray), Đắk Lắk (Ea Sô, Yôk Đôn), Đắk Nông (Tà Đùng), Lâm Đồng (Đa Nhim), Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận (Phước Bình), Bình Thuận (Tà Kou), Đồng Nai (Cát Tiên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Tây Ninh, Cà Mau (Đất Mũi, U Minh Hạ), Kiên Giang (Phú Quốc, U Minh Thượng), Thành phố Hồ Chí Minh (Cần Giờ), Khánh Hòa (Hòn Bà) (Đặng Ngọc Cần và cs. 2008).
Độ cao ghi nhận thấp nhất
0
Độ cao ghi nhận cao nhất
1200
Thế giới
Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Timor-Leste.
Thông tin đánh giá
Phân hạng
VU
Tiêu chuẩn đánh giá
A2cd
Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn
Loài này ghi nhận từ tỉnh Thừa Thiên Huế tới tỉnh Kiên Giang. Mặc dù loài này phân bố rộng sống ở nhiều dạng môi trường khác nhau, nhưng việc săn bắt quá mức làm thực phẩm, dược liệu, nuôi làm cảnh và những tác động tiêu cực đến sinh cảnh sống là nguyên nhân gây suy giảm quần thể; ước tính quần thể đã suy giảm > 30% trong khoảng 40 năm qua (tiêu chuẩn A2cd). Tiểu quần thể tại Côn Đảo (M. fascicularis condorensis) là loài phụ đặc hữu của Việt Nam, ước tính có khoảng 2,000 cá thể.
Hiện trạng quần thể
Hiện trạng quần thể
Mặc dù Khỉ đuôi dài được đánh giá có vùng phân bố rộng khắp ở niềm Nam Việt Nam và còn được duy trì với kích thước quần thể lớn, nhưng thực tế ghi nhận cho thấy loài này có số lượng và mật độ phân bố thấp, ngay cả trong các khu vực được bảo vệ và có sinh cảnh thích hợp. Tại KBTTN Ta Kou tỉnh Bình Thuận, 2 đàn Khỉ đuôi dài với ít nhất 15 cá thể đã được nhìn thấy trong khu rừng nửa rụng lá dưới 200 m và 1 đàn nhỏ với 5 cá thể đã được nhìn thấy ở độ cao 550 m (Hoang Minh Duc et al., 2010); tại Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, 6 đàn Khỉ đuôi dài với 41 cá thể được ghi nhận (Nguyễn Hoàng Hảo và nnk, 2012); tại A Yun Pa (Gia Lai) 1 đàn Khỉ đuôi dài 6 cá thể được ghi nhận trong rừng nửa rụng lá ở độ cao 370m; một vài nhóm nhỏ với và một số cá thể đơn độc được ghi nhận ở Côn Đảo và Phú Quốc (Abramov et al., 2007, Abramov et al., 2018). VQG U Minh Hạ ghi nhận 7 đàn với khoảng 120 cá thể (Nguyễn Đình Duy, 2022). Hoạt động mua bán và tiêu thụ đang diễn ra ở nhiều nơi.
Xu hướng quần thể
Suy giảm
Đặc điểm sinh học, sinh thái
Đặc điểm sinh cảnh sống
Loài này hoạt động vào ban ngày, cả trên cây và dưới mặt đất, bơi rất giỏi. Thường sống thành đàn, tỷ lệ trung bình 2,5 con cái 1 con đực (Noordwijk et al. 1999). Khỉ đuôi dài thích nghi với nhiều dạng sinh cảnh: rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thường xanh, rừng thưa, bờ sông, rừng ngập mặn ven biển, dọc theo các con sông tới độ cao 1.200 m.
Dạng sinh cảnh phân bố
Rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp Rừng ngập mặn nhiệt đới trên bãi triều Rừng ẩm nhiệt đới trên núi
Đặc điểm sinh sản
Mang thai khoảng 162-193 ngày. Cho con bú 14-18 tháng. Trưởng thành về giới tính sau 4 năm và sống trung bình đến 25 năm, lên đến 37 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Con cái có tỷ lệ sinh cao nhất vào khoảng 10 tuổi và ngừng sinh ở tuổi 24 (Noordwijk et al. 1999).
Thức ăn
Ăn tạp, chủ yếu là quả và hạt chiếm 60-90% khẩu phần ăn, ngoài ra cũng ăn lá, hoa, rễ và vỏ cây.
Sử dụng và buôn bán
Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, làm dược liệu cổ truyền, buôn bán làm vật nuôi và làm đối tượng thí nghiệm (Eudey et al. 2020, Aldrich et al. 2021).
Mối đe dọa
Khỉ đuôi dài bị săn bắt làm vật nuôi, làm thực phẩm và dược liệu. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái do xâm lấn đất rừng tự nhiên để mở rộng đất sản xuất, khai thác gỗ.
Biện pháp bảo tồn
Đã có
Loài này có tên trong Phụ lục II CITES, Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Một phần sinh cảnh sống của loài nằm trong các khu bảo tồn nên được bảo vệ.
Đề xuất
Bảo vệ sinh cảnh trong khu vực phân bố. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng săn bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và quốc tế.
Tài liệu tham khảo
Aldrich B.C. & Neale D. (2021). Pet Macaques in Vietnam: An NGO’s Perspective. Animals, 11: 60.
Đặng Ngọc Cần, Hideki Endo, Nguyễn Trường Sơn, Tatsuo Oshida, Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương, Darrin Peter Lunde, Shin Ichiro Kawada, Hayashida Akiko & Sasaki Motoki (2008). Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam. Primates Research Institute and Institute of Ecology and Biological Resources, Inuyama and Hanoi, 400 trang.
Đặng Huy Huỳnh, Cao Văn Sung, Lê Xuân Cảnh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên & Nguyễn Minh Tâm (2008). Động vật chí Việt Nam, Tập 25: Lớp Thú-Mammalia (Primates, Carnivora, Artiodactyla, Perissodactyla, Rodentia). NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 362 trang.
Eudey A., Kumar A., Singh M. & Boonratana R. (2020). Macaca fascicularis (errata version published in 2021). The IUCN Red List of Threatened Species: e.T12551A195354635.
Noordwijk M.A. (1999). The Effects of Dominance Rank and Group Size on Female Lifetime Reproductive Success in Wild Long-tailed Macaques, Macaca fascicularis. Primates, 40(1): 105-130.