Macaca arctoides

Khỉ mặt đỏ

Suy giảm


Thông tin về hồ sơ loài

Tên việt nam

Khỉ mặt đỏ

Phân hạng bảo tồn

VU

Trích dẫn
Nguyễn Đình Duy, Trịnh Đình Hoàng, Nguyễn Vĩnh Thanh, Hà Thăng Long, 2023. Macaca arctoides. Danh lục Đỏ Việt Nam. MM6

Phân bố

Việt nam

Lai Châu (Phìn Hồ), Lào Cai (Văn Bàn, Hoàng Liên), Sơn La (Côpia, Sốp Cộp, Mường Do, Phù Yên, Xuân Nha, Mộc Châu, Sông Mã), Phú Thọ (Xuân Sơn), Hà Giang (Đồng Văn, Tây Côn Lĩnh, Du Già, Khau Ca), Yên Bái (Mù Cang Chải), Tuyên Quang (Na Hang), Cao Bằng (Trùng Khánh), Bắc Kạn (Ba Bể, Kim Hỷ, Nam Xuân Lạc), Lạng Sơn (Hữu Liên), Thái Nguyên (Thần Sa, Kỳ Thượng), Bắc Giang, Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hoà Bình (Hang Kia-Pà Cò), Hà Nội (Hương Sơn), Thanh Hoá ( Pù Hu, Xuân Liên, Pù Luông), Nghệ An (Pù Hoạt, Pù Huống), Hà Tĩnh (Vũ Quang), Quảng Bình (Quảng Ninh, Lệ Thủy, Phong Nha-Kẻ Bàng), Quảng Trị (Bắc Hướng Hoá, Đắk Rông), Thừa Thiên Huế (Bạch Mã, KBT Sao La), Quảng Nam (Sông Thanh), Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận (Ta Kou), Kom Tum (Chư Mom Ray, Kon Plông), Gia Lai (Kon Cha Răng, Kon Ka Kinh), Đắk Lắk (Yôk Đôn, Ea Sô, Chư Yang Sin), Đắc Nông (Tà Đùng), Lâm Đồng (Bi Đoúp-Núi Bà), Đồng Nai (-VH Đồng Nai, Cát Tiên), Bà Rịa-Vũng Tàu ( Bình Châu-Phước Bửu), Kiên Giang ( Phú Quốc) (Đặng Huy Huỳnh và cs. 2008, Đặng Ngọc Cần và cs. 2008, Aldrich 2021).

Độ cao ghi nhận thấp nhất

20

Độ cao ghi nhận cao nhất

1800

Thế giới

Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc (Chetry 2021).

Sơ đồ phân bố ở Việt Nam

Thông tin đánh giá

Phân hạng

VU

Tiêu chuẩn đánh giá

A2acd

Diễn giải đánh giá theo các tiêu chuẩn

Trước đây, loài này khá phổ biến ở các khu rừng trên cả nước. Sinh cảnh sống của loài bị thu hẹp, chia cắt và suy thoái do mất rừng và khai thác lâm sản. Loài này cũng bị săn bắt quá mức làm thực phẩm, dược liệu và nuôi làm cảnh; ước tính quần thể đã bị suy giảm > 30% trong vòng 30 năm qua (tiêu chuẩn A2acd).

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng quần thể

Hiện trạng tiểu quần thể tại một số khu vực phía bắc có sự suy giảm >50%, một số tiểu quần thể ở miền trung và nam có sự suy giảm >30%. Trong các hoạt động cứu hộ chủ yếu ghi nhận các cá thể già, ít gặp các cá thể non. Nhiều khu vực ghi nhận các cá thể sống đơn độc. Tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, 1 đàn Khỉ mặt đỏ với 10 cá thể được ghi nhận (Nguyễn Hoàng Hảo và nnk, 2012); tại KBTTN Xuân Liên (Thanh Hóa) thống kê được 36 lần gặp các đàn Khỉ mặt đỏ trong 5 năm (2010-2014), mỗi đàn thường từ 10-20 cá thể, một số đàn có trên 20-30 cá thể, trung bình 16,2 cá thể/đàn, tần suất bắt gặp là 0,0833 đàn/km (Nguyễn Xuân Nghĩa và nnk, 2018); ghi nhận 1 đàn với 4 cá thể tại KBTTN Đakrông và 1 đàn với 7 cá thể tại KBTTN Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) (Nguyễn Văn Minh và nnk, 2018); 1 đàn với 10 cá thể tại KBT Sao La (TT. Huế) (Nguyễn Văn Minh, 2018); tại VQG Vũ Quang, 20 đàn Khỉ mặt đỏ với 128 - 150 cá thể được ghi nhận và ước lượng khoảng 128 - 150 cá thể (Nguyễn Hải Hà và nnk, 2019); tại Khu BTTN Pù Hu, 5 đàn Khỉ mặt đỏ với 29 cá thể được ghi nhận và ước tính khoảng 29-35 cá thể (Nguyễn Hải Hà và nnk, 2020). Khỉ mặt đỏ đã bị suy giảm số lượng đáng kể trong những năm qua và vẫn đang tiếp tục giảm trong tương lai do bị đe dọa từ nhiều hoạt động không bền vững (Aldrich and Neale, 2021). Sự suy giảm trong tương lai được dự đoán sẽ nhanh hơn do mất môi trường sống và săn bắt.

Xu hướng quần thể

Suy giảm

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Đặc điểm sinh cảnh sống

Rừng thường xanh, bán thường xanh và rừng rụng lá (Chetry et al., 2020). Thường dành phần lớn thời gian trên mặt đất để kiếm ăn, phạm vi nơi ở dao động 387-587 ha và chiều dài di chuyển trong ngày đến 4,5 km (Chetry et al. 2007, 2020). Sống theo bầy đàn, từ 2-3 cá thể đến 60 cá thể.

Dạng sinh cảnh phân bố

Rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp Rừng ẩm nhiệt đới trên núi

Đặc điểm sinh sản

Tuổi thọ khoảng 30 năm, thời gian 1 thế hệ khoảng 10-12 năm (Molur et al. 2003). Thời gian mang thai 178 ngày, khoảng cách giữa các kỳ sinh 19 tháng (Ross 1992, Choudhury 2002, Nigam et al. 2018).

Thức ăn

Hạt, quả, hoa, vỏ thân, củ, thân, rễ và đôi khi ăn động vật có xương sống nhỏ và côn trùng.

Sử dụng và buôn bán

Loài này bị săn bắt để làm thực phẩm, làm dược liệu cổ truyền, buôn bán làm cảnh và thí nghiệm (Chetry 2020, Aldrich et al. 2021).

Mối đe dọa

Khỉ mặt đỏ bị săn bắt làm cảnh, làm thực phẩm và dược liệu cổ truyền. Sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái do xâm lấn đất rừng tự nhiên để mở rộng đất sản xuất, khai thác gỗ.

Biện pháp bảo tồn

Đã có

Loài này có tên trong Phụ lục II CITES, Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Một phần sinh cảnh sống của loài nằm trong các khu bảo tồn nên được bảo vệ.

Đề xuất

Bảo vệ sinh cảnh trong khu vực phân bố. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng săn bắt, buôn bán trái pháp luật loài này ở trong nước và quốc tế. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loàinhằm hạn chế tác động đến sinh cảnh và quần thể của loài.

Tài liệu tham khảo

Aldrich B.C. & Neale D. (2021). Pet Macaques in Vietnam: An NGO’s Perspective. Animals, 11: 60.
Chetry D., Boonratana R., Das J., Long Y., Htun S. & Timmins R.J. (2020). Macaca arctoides. The IUCN Red List of Threatened Species: e. T12548A185202632. Accessed on 19 July 2022.
Chetry D., Medhi R., Bhattacharjee P.C. & Mohnot S.M. (2007). Factors influencing the ranging behaviour in Stump-tailed macaques. Tropical Zoology, 4: 1-8.
Chetry D., Rekha C. & Parimal C.B. (2021). Lodging site selection by wild group of stump-tailed macaques (Macaca arctoides). Thar Multidiscipline Journal, 1(2): 1-12.
Đặng Ngọc Cần, Hideki Endo, Nguyễn Trường Sơn, Tatsuo Oshida, Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương, Darrin Peter Lunde, Shin Ichiro Kawada, Hayashida Akiko & Sasaki Motoki (2008). Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam. Primates Research Institute and Institute of Ecology and Biological Resources, Inuyama and Hanoi, 400 trang.
Đặng Huy Huỳnh, Cao Văn Sung, Lê Xuân Cảnh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Xuân Đặng, Hoàng Minh Khiên & Nguyễn Minh Tâm (2008). Động vật chí Việt Nam, Tập 25: Lớp Thú-Mammalia (Primates, Carnivora, Artiodactyla, Perissodactyla, Rodentia). NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 362 trang.
Ross C. (1992). Life history patterns and ecology of macaque species. Primates, 33(2): 207- 215.

Dữ liệu bên ngoài