Danh lục Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Việt Nam là sản phẩm của Đề tài độc lập cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam “Cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu Danh lục Đỏ và Sách Đỏ Việt Nam” do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2024.
1. Tổng quan về xây dựng Danh lục Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Việt Nam
Sách Đỏ Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1992 do Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì biên soạn. Phần Động vật được xuất bản năm 1992 gồm 365 loài động vật và phần Thực vật được xuất bản năm 1996 với 356 loài trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng.
Năm 2000, Sách Đỏ Việt Nam được tái bản lần thứ hai và các nhà khoa học đã áp dụng các tiêu chí đánh giá và tiêu chuẩn phân hạng của IUCN (1994). Trong phần Động vật xuất bản năm 2000, số loài ở mức Nguy cấp (EN) là 149 loài, tăng hơn hai lần so với 71 loài trong phiên bản năm 1992.
Năm 2007, Sách Đỏ Việt Nam được cập nhật và tái bản lần thứ ba gồm 2 tập: Phần Động vật có 407 loài (90 loài thú, 74 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư, 89 loài cá, động vật không xương sống nước ngọt 18 loài, động vật không xương sống biển 61 loài, côn trùng 22 loài); Phần Thực vật có 448 loài (ngành Hạt kín 399 loài, ngành Hạt trần 27 loài, ngành Dương xỉ 2 loài, ngành Thông đất 1 loài, ngành Rong đỏ 8 loài, ngành Rong nâu 5 loài, và ngành Nấm 6 loài). Ngoài ra, Danh lục Đỏ Việt Nam cũng được công bố năm 2007 thống kê danh mục các loài bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong 15 năm qua kể từ khi Sách Đỏ Việt Nam (2007) được công bố, đã có rất nhiều thay đổi về thông tin khoa học như phân loại học, tình trạng quần thể của các loài hoang dã. Bên cạnh đó, các yếu tố về sinh thái, môi trường cũng như điều kiện kinh tế – xã hội cũng biến đổi không ngừng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các loài sinh vật trong tự nhiên theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Vì vậy, việc cập nhật, bổ sung dẫn liệu và đánh giá lại tình trạng bị đe dọa của các loài động vật, thực vật hoang dã ở nước ta là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin thì việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng là yêu cầu cấp bách để cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật gắn liền với phát triển bền vững của đất nước.
Trước yêu cầu thực tiễn trên, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phê duyệt Đề tài “Cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu Danh lục Đỏ và Sách Đỏ Việt Nam”, giao cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2024. Các nhóm nghiên cứu đã thu thập bổ sung, cập nhật dữ liệu và đánh giá tình trạng bảo tồn của gần 1.500 loài động vật, thực vật và nấm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của IUCN. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học công bố Cơ sở dữ liệu Danh lục Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Việt Nam.
2. Phân hạng bảo tồn trong Danh lục Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Việt Nam
Các loài được đánh giá theo các tiêu chí và phân hạng bảo tồn theo các tiêu chuẩn của IUCN (Phiên bản 3.1, phát hành năm 2001, tái bản năm 2012).
Tiêu chuẩn đánh giá:
A) Sự suy giảm về kích cỡ quần thể
B) Phân bố địa lý
C) Kích cỡ quần thể nhỏ và bị suy giảm
D) Quần thể rất nhỏ hoặc phân bố hẹp
E) Phân tích số lượng
Tiêu chí phân hạng:
- Nhóm I: Không (hoặc chưa) được đánh giá (Not Evaluated, NE) theo các tiêu chuẩn. Một taxon (tạm dịch là đơn vị phân loại) được xác định là Chưa đánh giá nếu nó chưa được đánh giá tình trạng bảo tồn theo các tiêu chuẩn (Hình 1).
- Nhóm II: Được đánh giá, gồm: Thiếu dẫn liệu (Data Deficient, DD) và Có đủ dẫn liệu bao gồm: Ít lo ngại (Least Concern, LC), Gần bị đe dọa (Near Threatened, NT), Sẽ nguy cấp (Vulnerable, VU), Nguy cấp (Endangered, EN), Cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered, CR), Tuyệt chủng ngoài tự nhiên (Extinct in the Wild, EW) và Tuyệt chủng (Extinct, EX) (Hình 1).
Hình 1. Sơ đồ phân hạng bảo tồn (theo IUCN 2012).
Tuyệt chủng (EX): Một taxon được xếp hạng Tuyệt chủng khi đủ lý do để tin là cá thể cuối cùng của taxon đó đã chết. Một taxon được xác định là tuyệt chủng nếu đã có các đợt điều tra kỹ lưỡng tại các sinh cảnh đã từng bắt gặp hoặc được cho là có taxon đó phân bố vào các thời điểm thích hợp (đêm, ngày, mùa, hàng năm) ở khắp vùng phân bố đã biết nhưng không ghi nhận một cá thể nào của taxon này. Những đợt điều tra này phải kéo dài đủ một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vòng đời và dạng sống của taxon.
Tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW): Một taxon được xếp hạng Tuyệt chủng ngoài tự nhiên khi nó chỉ còn được ghi nhận trong điều kiện nuôi trồng, nuôi nhốt hoặc trong các quần thể được du nhập và phát triển ở bên ngoài vùng phân bố trước đây của nó. Một taxon được xác định là Tuyệt chủng ngoài tự nhiên nếu đã có các đợt điều tra kỹ lưỡng tại các sinh cảnh đã từng bắt gặp hoặc được cho là có taxon đó phân bố vào các thời điểm thích hợp (đêm ngày, mùa, hàng năm) ở khắp vùng phân bố đã biết nhưng không ghi nhận một cá thể nào của taxon này. Những đợt điều tra này phải kéo dài đủ một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vòng đời và dạng sống của taxon.
Cực kỳ nguy cấp (CR): Một taxon được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp nếu với các bằng chứng hiện có cho thấy phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn nào từ A đến E ở mức Cực kỳ nguy cấp, và vì vậy taxon này được coi là đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở mức độ cực kỳ cao.
Nguy cấp (EN): Một taxon được xếp hạng Nguy cấp nếu với các bằng chứng hiện có cho thấy phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn nào từ A đến E ở mức Nguy cấp, và vì vậy taxon này được xác định là đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở mức độ rất cao.
Gần bị đe dọa (NT): Một taxon được xếp hạng Gần bị đe dọa nếu theo các tiêu chuẩn đánh giá thì chưa đáp ứng để xếp hạng Cực kỳ nguy cấp, Nguy cấp hay Sẽ nguy cấp vào thời điểm hiện tại, nhưng gần đạt hoặc có khả năng sẽ đáp ứng các tiêu chí để phân hạng ở một mức độ bị đe dọa trong tương lai gần.
Ít lo ngại (LC): Một taxon được xác định là ít lo ngại nếu đã đánh giá theo các tiêu chuẩn nhưng không thuộc các phân hạng Cực kỳ nguy cấp, Nguy cấp, Sắp nguy cấp hay Gần bị đe dọa. Các loài có số lượng cá thể phong phú hoặc phân bố rộng nằm trong mức phân hạng này.
Thiếu dẫn liệu (DD): Một taxon được coi là Thiếu dẫn liệu nếu không đủ tài liệu để trực tiếp hoặc gián tiếp để đánh giá mức độ nguy cơ tuyệt chủng của nó dựa trên tình trạng phân bố và tình trạng quần thể. Taxon này có thể đã được nghiên cứu rất kỹ về các đặc tính sinh học, nhưng thiếu số liệu chính xác về độ phong phú và phạm vi phân bố địa lý. Do vậy, thiếu dẫn liệu không được coi là một phân hạng bị đe dọa. Các taxon được liệt kê vào phân hạng này cần có thêm thông tin và được cho rằng các nghiên cứu trong tương lai có thể sẽ xác định loài này vào một cấp phân hạng nào đấy phù hợp. Điều quan trọng là mức độ phân hạng này tạo nên sự sẵn sàng để cập nhật thông tin bất cứ lúc nào. Trong nhiều trường hợp, cần rất cẩn trọng khi lựa chọn giữa đánh giá là Thiếu dữ liệu và phân hạng vào một bậc bị đe dọa. Nếu trong trường hợp một taxon được cho là đáp ứng gần đủ tiêu chuẩn đánh giá và thời gian tính từ lần ghi nhận cuối cùng của taxon này đã khá lâu thì nên đưa nó vào tình trạng bị đe dọa.
Do điều kiện thời gian còn hạn chế nên trong khuôn khổ của Đề tài này, các tác giả chỉ đưa vào Danh lục Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Việt Nam các loài được đánh giá, phân hạng bảo tồn ở các bậc NT, VU, EN, CR, EW và EX.
Bảng 1: Tóm tắt 5 tiêu chuẩn (A đến E) sử dụng để đánh giá một taxon theo tiêu chí phân hạng của Danh lục Đỏ IUCN ở các bậc đe dọa: Cực kỳ nguy cấp CR, Nguy cấp EN và Sẽ nguy cấp VU